Chỉ truyền dịch tại cơ sở y tế, khi cần thiết.

Lưu ý là bệnh nhân không truyền dịch tại nhà. Do khi bị sốt xuất huyết, cơ thể trở nên nhạy cảm và rất dễ bị sốc khi truyền dịch. Hơn nữa nếu truyền thừa dịch sẽ gây rối loạn cân bằng muối nước, gây ứ nước trong các mô, tổ chức… nguy cơ dẫn đến tràn dịch màng phổi. Hơn nữa trong dung dịch ringer lactat có kali, nếu truyền thừa kali sẽ gây hại cho tim.

Không dùng kháng sinh: Kháng sinh không tiêu diệt được virus, chỉ dùng nếu có bội nhiễm vi khuẩn và có chỉ định của bác sĩ.

Khi chăm sóc bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhà phải hết sức chú ý, nhận biết các dấu hiệu cảnh báo của bệnh sốt xuất huyết diễn biến nặng hơn, như: Vật vã, lừ đừ; đau bụng nhiều; nôn ói nhiều; đau bụng vùng hạ sườn; chảy máu chân răng, mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết âm đạo bất thường, nước tiểu ít; xét nghiệm máu thấy thể tích hồng cầu tăng nhưng tiểu cầu giảm nhanh…

Nếu có một trong các dấu hiệu này, người bệnh cần nhập viện để theo dõi điều trị nội trú vì có nguy cơ diễn tiến nặng (sốc, xuất huyết nặng, suy đa tạng), thậm chí tử vong nếu không được xử trí điều trị kịp thời. Các dấu hiệu cảnh báo nặng thường xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vaccine phòng ngừa bệnh hiệu quả. Cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm tránh bị mắc bệnh. Bao gồm :

- Vệ sinh môi trường, xóa bỏ các ổ nước đọng trong nhà và xung quanh nơi ở, diệt loăng quăng (bọ gậy), phun thuốc diệt muỗi, tránh muỗi vằn đốt bằng cách nằm màn, mặc quần áo dài và các biện pháp xua muỗi khác.

- Khi trong khu vực sinh sống, làm việc xuất hiện có ca bệnh sốt xuất huyết dengue thì công tác phòng chống dịch cần phải được triển khai mạnh mẽ với sự phối hợp của chính quyền, ngành y tế, các đoàn thể và toàn bộ người dân trong khu vực.

* Nguồn: Bộ Y tế